BS. PHAN HỮU PHƯỚC – Giám đốc PHÒNG KHÁM LÃO KHOA MEDVIE
Táo bón là một trong những than phiền khá thường gặp ở người trên 65 tuổi. Người ta ghi nhận được có khoảng 1/3 số người già tự nhận mình bị táo bón và phân nửa trong số đó phải đến khám các cơ sở y tế vì táo bón.
Vậy táo bón là gì?
Nhiều người nghĩ ngay rằng câu hỏi này thật dễ trả lời: Táo bón là tình trạng không thể đi cầu được mỗi ngày. Thật ra điều này không hoàn toàn đúng vì không nhất thiết là mọi người đều phải đi cầu mỗi ngày. Có nhiều người chỉ đi cầu đều đặn 3 lần mỗi tuần mà vẫn không được coi là táo bón. Một định nghĩa chính xác hơn cho táo bón là: Táo bón là tình trạng đi cầu phân cứng, ít hơn 3 lần mỗi tuần.
Nguyên nhân nào gây táo bón ở người già?
Thức ăn sau khi ăn vào dạ dày (bà con còn gọi là bao tử) sẽ được nghiền nát nhờ những cử động nhồi bóp của dạ dày và những chất tiết ra từ dạ dày. Sau đó thức ăn được tống xuống ruột non. Ruột non có chức năng chính là hấp thu các chất dinh dưỡng, chất cặn bã còn lại được đẩy xuống ruột già. Ruột già có chức năng chính là hấp thu thêm một số chất dinh dưỡng còn lại và tạo phân, đóng phân thành khuôn.
Thông thường, khối phân nằm trong ruột già sẽ được đẩy tới phía trước nhờ sự co bóp nhịp nhàng của cơ ở thành ruột, sự co bóp này được gọi là nhu động ruột. Trong khi di chuyển trong ruột già, phần lớn lượng nước chứa trong phân sẽ được hấp thu qua thành ruột và khi phân đến trực tràng và hậu môn, trong phân còn chứa một lượng nước vừa đủ để phân có thể thành khuôn và đủ mềm để được tống ra ngoài dễ dàng. Táo bón xảy ra khi vì một lý do nào đó khối phân di chuyển trong ruột già quá chậm chạp làm cho phân bị hấp thu nước nhiều hơn bình thường và trở nên cứng khi đến hậu môn. Cũng có thể do phân chứa quá ít nước (do uống nước ít) nên mặc dù được hấp thu nước bình thường, phân cũng trở thành cứng khi đến hậu môn.
Ở người lớn tuổi, những nguyên nhân gây táo bón thường gặp nhất là do thay đổi trong chế độ ăn uống như ăn quá ít, ăn không đủ chất xơ, ít vận động, ít đi lại, uống không đủ nước. Ngoài ra, người lớn tuổi thường mắc nhiều bệnh và phải dùng nhiều thuốc. Có nhiều bệnh có thể gây ra táo bón như ung thư đại tràng, tai biến mạch máu não, suy tuyến giáp… và cũng có nhiều loại thuốc có thể gây táo bón như một số thuốc an thần giảm đau, thuốc chống co thắt, thuốc trị bệnh Parkinson, thuốc chống trầm cảm, thuốc hạ huyết áp, thuốc trị đau dạ dày, thuốc ho có chứa codeine… Vì vậy khi đến khám bác sĩ vì bệnh táo bón, bà con cần phải báo cho bác sĩ biết các loại thuốc mình đang sử dụng. Cũng cần lưu ý rằng ở người lớn tuổi, táo bón có thể do nhiều nguyên nhân kết hợp lại. Ví dụ như một người bị tai biến mạch máu não để lại di chứng liệt nửa người nên ít vận động đi lại, ăn uống rất ít và không đủ chất xơ, phải uống thuốc hạ huyết áp thường xuyên (thuốc ức chế canxi), lại vốn có bệnh đau dạ dày nên thường uống thuốc Maalox, nên bị táo bón rất khó chữa. Muốn giải quyết tình trạng táo bón này phải chú ý tìm kiếm tất cả các nguyên nhân rồi từ đó mới tìm cách khắc phục từng nguyên nhân một.
Táo bón có gây nguy hiểm không?
Ở người lớn tuổi, táo bón thường không lành tính và có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Đối với đường tiêu hóa, trường hợp nhẹ thì chỉ bị chán ăn, mệt mỏi, chướng bụng, buồn nôn, nôn; nặng thì tắc ruột, giãn đại tràng, sa trực tràng, trĩ… Ngoài ra, táo bón còn có thể gây ra những biến chứng tim mạch nguy hiểm như cơn đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, rối loạn nhịp tim do cố sức rặn đi cầu quá mức.
Cần phải làm gì khi bị táo bón?
Việc đầu tiên cần lưu ý là xác định xem mình có thực sự bị táo bón không? Có nhiều người chỉ vì không đi cầu được mỗi ngày (do hoạt động của bộ máy tiêu hóa chậm hơn vì tuổi tác) hoặc vì cảm giác đi cầu không hết… đã cho là mình bị táo bón và vội vàng dùng các loại thuốc nhuận trường; vì thế làm rối loạn các hoạt động vốn đang ở thế cân bằng của cơ thể. Người ta nhận thấy hầu hết những người táo bón đều nghĩ ngay đến việc sử dụng các loại thuốc nhuận trường như là biện pháp đầu tiên để giải quyết tình trạng táo bón của mình. Trái lại, thuốc nhuận trường nên được coi là biện pháp sau cùng và khi sử dụng cũng nên thận trọng để tránh những tác hại của nó.
Cần phải thực hiện các điều sau đây trước khi sử dụng thuốc nhuận trường:
– Uống ít nhất 6 – 8 ly nước mỗi ngày (khoảng 1500ml). Nếu không quen uống nhiều nước, có thể thay thế bằng cách uống các thức uống khác như sữa tươi, nước ép trái cây hoặc uống nhiều nước canh, thạch (rau câu), trái cây có nhiều nước như dưa hấu, lê, cam, quýt, thơm…
– Ắn thêm nhiều thực phẩm giàu chất xơ như các loại ngũ cốc, rau cải, các loại củ, trái cây… Cần nhớ là phải uống cho đủ nước vì nếu ăn chất xơ mà uống ít nước thì lại làm cho táo bón nặng hơn, nhất là ở những bệnh nhân thường bị bón do khối phân to và cứng.
– Tập vận động cơ thể đều đặn mỗi ngày, có thể đơn giản chỉ là đi bộ hàng ngày. Đối với những người bệnh phải nằm liệt giường, nên đỡ dậy ngồi đi cầu hoặc dìu đi đến nhà vệ sinh (nếu tình trạng bệnh cho phép) thì tốt hơn là dùng bô trẹt tại giường.
– Tập thói quen đi cầu mỗi ngày. Chọn một thời điểm thích hợp trong ngày để đi cầu và cũng cố gắng ngồi đi cầu ngay cả khi không mắc đi cầu.
– Tuyệt đối không được nín đi cầu.
Nếu thực hiện đầy đủ các điều trên mà tình trạng táo bón vẫn chưa cải thiện, có thể sử dụng một vài loại thuốc nhuận trường nhưng phải thận trọng và tránh lạm dụng thuốc. Trong trường hợp táo bón kéo dài, bà con nên đến bác sĩ để được khám bệnh kỹ lưỡng nhằm tìm kiếm nguyên nhân của táo bón. Có nhiều trường hợp táo bón chỉ là một triệu chứng biểu hiện của bệnh ung thư đại tràng nhưng không được phát hiện sớm kịp thời vì người bệnh chủ quan chỉ tự điều trị bằng các loại thuốc nhuận trường.