Tóc muối tiêu, tóc hoa râm… là những cụm từ thường dùng để miêu tả mái tóc của những người đã bước vào tuổi xế chiều, nhưng ở đây không bàn đến sự lão hóa của tóc theo quy luật tự nhiên, mà muốn nói đến hiện tượng tóc bạc sớm.
Ít ai biết thực chất tóc không có màu. Sở dĩ tóc có màu đen, bạch kim, hung… là do các tế bào tạo ra chất có màu, giới chuyên môn gọi là tế bào sắc tố, và chất có màu này được gọi là melanin. Vậy tóc bạc thì sao?
Thiên hình vạn trạng nguyên nhân
Người châu Á chưa đến 30 tuổi mà tóc đã bạc, hoặc 50% số tóc bị bạc trước 50 tuổi thì được xem là bạc tóc sớm.
Nguyên nhân đầu tiên phải kể đến là yếu tố di truyền: có những gia đình mà hầu hết thành viên đều bị chứng tóc bạc sớm ở độ tuổi dưới 40, thậm chí chưa đến 20 tuổi.
Như vậy, thời điểm và tốc độ bạc của tóc xác định nguyên nhân do yếu tố di truyền và yếu tố này không thay đổi được.
Kế đến là yếu tố thần kinh: dễ dàng nhận thấy tóc của những người hay lo lắng, dễ xúc động, bi quan, nhất là còn kèm theo hệ lụy mất ngủ, bị bạc rất nhanh.
Ngoài ra, một số bệnh về da, như bạch biến chẳng hạn, gây mất sắc tố ở vùng da đầu cũng dẫn đến bạc tóc.
Theo ThS-BS. Phan Hữu Phước, GIÁM ĐỐC PHÒNG KHÁM LÃO KHOA MEDVIE, giảng viên khoa Y, Đại học Quốc gia TP.HCM, kẻ đồng hành thân thiết với sự bạc tóc chính là stress. Stress vốn được xem là kẻ thù của sức khỏe, là yếu tố nguy cơ của nhiều bệnh lý.
Stress cũng đã được các nhà khoa học chứng minh là nguyên nhân làm tăng nồng độ hormone Adrenaline, khiến tóc trở nên bạc sớm.
Điều này cũng giải thích vì sao những người thường làm việc căng thẳng (chẳng hạn như giới doanh nhân), những người thường xuyên phải chịu áp lực từ cuộc sống, công việc hằng ngày, bị ảnh hưởng bởi những biến cố đau thương trong cuộc đời thường bị bạc tóc nhanh và sớm hơn những người khác cùng trang lứa.
Một số bệnh lý cũng là nguyên nhân của chứng tóc bạc sớm, đặc biệt là những bệnh liên quan đến rối loạn nội tiết, trong đó dễ thấy nhất là tiểu đường, bệnh về tuyến giáp, viêm gan.
Những người do làm việc quá căng thẳng nên cơ thể bị thiếu kẽm, rồi tuyến thượng thận tiết ra nội tiết tố phân giải chất đạm cũng khiến tóc sớm bị lão hóa.
Khi nạn nhân cũng là thủ phạm
Đôi khi những thói quen xấu hằng ngày cũng chính là thủ phạm gây bạc tóc sớm, trong đó phải kể đến đầu tiên là hút thuốc lá, tiếp đến là uống cà phê, rượu.
Những thói quen tưởng như vô hại: uống trà đặc mỗi ngày; dùng thức ăn chiên xào chứa nhiều chất béo, gia vị cay gây kích thích; dùng thực phẩm có chứa nhiều axit và chất lên men… cũng góp phần làm cho tóc “muối nhiều hơn tiêu”.
Và khi chế độ ăn uống không cung cấp đủ các chất dinh dưỡng (protein, iot…), các khoáng chất (kẽm, đồng…) cho tóc cũng khiến tóc thiếu sức sống, sớm bị bạc.
Rõ ràng, chúng ta hoàn toàn có thể né tránh những tác nhân gây bạc tóc sớm xuất phát từ thói quen ăn uống, lối sống, chế độ dinh dưỡng.
Ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, bổ sung sinh tố nhóm B như vitamin B5 và vitamin E, dành thời gian nghỉ ngơi hợp lý, ngủ đủ giấc, đặc biệt tránh xa stress sẽ giúp duy trì màu đen cho tóc.
“Lo toan” nhưng không “lo âu”, tránh căng thẳng, làm việc quá sức, giải tỏa stress bằng những thú vui lành mạnh như nghe nhạc, chơi môn thể thao mình yêu thích, hoặc sinh hoạt với những nhóm bạn có chung niềm đam mê, tập thể dục đều đặn mỗi ngày… là những biện pháp ai cũng có thể áp dụng.
Tuy nhiên, riêng trường hợp tóc bạc sớm do bệnh lý thì bắt buộc phải nhờ đến sự giúp đỡ của thầy thuốc.
Tóm lại, tóc bạc sớm không ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe nhưng lại ảnh hưởng nhiều đến thẩm mỹ, nhất là với chị em phụ nữ, vì trông sẽ “già trước tuổi”.
Hiện vẫn chưa có thuốc và phương pháp điều trị hữu hiệu chứng bạc tóc sớm, nên cách duy nhất để khắc phục là nhuộm. Tuy nhiên, chị em cần lưu ý, hóa chất có trong thuốc nhuộm tóc cũng có thể gây những biến chứng cho da đầu, cho sức khỏe, nên phải rất thận trọng khi muốn đổi màu cho tóc.
Theo: Doanh nhân Sài Gòn