Phần I : Biểu hiện và yếu tố nguy cơ :
Cao huyết áp là bệnh khá phổ biến hiện nay. Số người mắc bệnh càng ngày tăng nhiều hơn và lứa tuổi mắc bệnh ngày càng trẻ hơn. Nếu như trước đây cao huyết áp ở người trẻ tuổi dưới 40 tương đối ít gặp thì ngày nay cao huyết áp dạng này cũng khá phổ biến. Như chúng ta đã biết số huyết áp trung bình ở người Việt Nam là 120/80 mmHg trong đó 120 là số huyết áp trên 80 là số huyết áp áp dưới. Khi số huyết áp trên từ 140 mmHg trở lên hoặc số huyết áp dưới từ 90 mmHg trở lên gọi là bị cao huyết áp. Cao huyết áp người trẻ có thể gặp là cao huyết áp số trên và số dưới hay chỉ cao huyết áp số trên hoặc số dưới. Cao huyết áp số dưới có thể ít được chú ý và bỏ qua nếu như không được đo huyết áp thường xuyên và đúng kỷ thuật. Cao huyết áp số dưới có thể gây những biến chứng âm thầm lâu dài trên tim, thận não… nhưng cần lưu ý là cao huyết áp số dưới khó điều trị hơn.
Triệu chứng cao huyết áp ở người trẻ khi huyết áp tăng cao lần đầu có thể gặp là nhức đầu chóng mặt, nhức đầu với cảm giác căng trong đầu vùng đỉnh hay 2 bên màng tang nhưng đôi khi chỉ là cảm giác nặng ở đầu khi huyết áp tăng cao. Nhức đầu có thể là triệu chứng duy nhất đưa người bệnh đến gặp bác sĩ. Tuy nhiên những lần tăng huyết áp về sau người có thể không còn thấy nhức đầu do cơ thể thích nghi với hiện tượng cao huyết áp. Lúc này người bệnh chủ quan và không cần điều trị cho đến khi có tai biến xảy ra. Tai biến nguy hiểm thường gặp là đứt mạch máu não và nhồi máu cơ tim. Khác với cao huyết áp ở người lớn tuổi có đến 95% là không tìm thấy nguyên nhân chỉ có 5% là tìm thấy nguyên nhân thì cao huyết áp ở người trẻ tỉ lệ tìm thấy nguyên nhân có cao hơn. Do vậy trước một trường hợp cao huyết áp ở người trẻ mới phát hiện thì việc truy tìm nguyên nhân cần phải được thực hiện nhanh chóng và đầy đủ.
Định nghĩa và phân độ cao huyết áp mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới :
Phân lọai | Số huyết áp trên
mmHg |
Số huyết áp dưới
mmHg |
Số HA tốt nhất
Số HA bình thường Bình thường cao
CHA độ I ( nhẹ ) ( nhóm phụ đầu độ I ) CHA độ II ( trung bình ) CHA độ III ( nặng )
CHA số trên đơn độc ( nhóm phụ ) |
< 120
< 130 130-139
140-159 140-149 160-179 > 180
> 140 140-149 |
< 80
< 85 85-89
90-99 90-94 100-109 > 110
< 90 <90
|
Tổ chức Y tế Thế giới rất nhấn mạnh đến cao huyết áp mức độ nhẹ đầu độ I. Đây là dạng cao huyết áp rất dể bị thầy thuốc và bệnh nhân bỏ qua vì hầu hết là không có triệu chứng.
Yếu tố nguy cơ của bệnh cao huyết áp :
Yếu tố dễ dẩn đến bệnh cao huyết áp hay còn gọi là yếu tố nguy cơ của bệnh cao huyết áp là những yếu tố mà nếu 1 người có những yếu tố này thì dễ bị mắc bệnh cao huyết áp hơn những người không có các yếu tố này.
Có 2 nhóm yếu tố nguy cơ: nhóm yếu tố nguy cơ chính và nhóm yếu tố nguy cơ phụ.
Nhóm yếu tố nguy cơ chính bao gồm:
- Hút thuốc lá.
- Mỡ trong máu cao, nhất là:
– Cholesterol cao trên 200 mg%.
– Mỡ gây hại (tên là LDL) cao trên 130mg%.
– Mỡ bảo vệ (tên là HDL) thấp dưới 35 mg%.
- Mắc bênh tiểu đường.
- Người già hơn 60 tuổi.
- Phái nam không kể lứa tuổi hoặc là phái nữ sau tuổi mãn kinh.
- Trong gia đình có người bị bệnh tim mạch ở tuổi nhỏ hơn 65 tuổi nếu là nam và nhỏ hơn 55 tuổi nếu là nữ.
Nhóm yếu tố nguy cơ phụ bao gồm:
- Béo phì.
- Ít vận động.
Trong số những yếu tố nguy cơ nói trên chỉ có một vài yếu tố là không thể làm thay đổi được như lứa tuổi, phái tính hoặc yếu tố gia đình. Còn tất cả những yếu tố còn lại đều có thể làm giảm bớt hoặc mất hẳn bằng các biện pháp như ngưng hút thuốc, giảm cân, tập thể dục đều đặn, điều trị tốt bệnh tiểu đường và mỡ trong máu cao. Càng có ít yếu tố nguy cơ thì bệnh cao huyết áp của bạn càng dễ điều trị và ít có biến chứng.
PHẦN II : ĐIỀU TRỊ CAO HUYẾT ÁP:
Mục tiêu điều trị cao huyết áp là :
¨ Đưa trị số huyết áp về dưới 130/85mmHg.
¨ Duy trì huyết áp ổn định.
¨ Ngăn ngừa biến chứng.
¨ Giảm thiểu các yếu tố nguy cơ.
Để đạt được 4 mục tiêu nầy chúng ta cần phải thực hiện 6 nguyên tắc sau đây:
Nguyên tắc 1: Điều trị không dùng thuốc là bước điều trị đầu tiên bắt buộc trong tất cả các trường hợp cao huyết áp dù nhẹ hay nặng, đã có biến chứng hay chưa có biến chứng.
Nguyên tắc 2: Chọn lựa thuốc hạ huyết áp lọai nào là tùy thụôc vào đặc điểm riêng của từng người bệnh. Căn cứ vào các dặc điểm này như có kèm theo bệnh tiểu đường, bệnh thiếu máu cơ tim, hoặc có các yếu tố dễ đưa đến bệnh cao huyết áp, bác sĩ sẽ chọn lựa cho bạn 1 lọai thuốc hạ huyết áp thích hợp nhất. Sai lầm mà bà con thường mắc phải là mua thuốc hạ huyết áp để uống theo lời giới thiệu của bạn bè hay người quen cũng bị cao huyết áp và đã được bác sĩ kê toa cho uống 1 lọai thuốc huyết áp nào đó thấy thích hợp. Thật ra những lọai thuốc huyết áp đó được bác sĩ chọn lựa phù hợp với người quen của bạn nhưng có thể không phù hợp với bạn, bởi vì đặc điểm cơ thể của mỗi người không ai giống ai và tính chất của bệnh cao huyết áp của mỗi người cũng khác nhau.
¨ Nguyên tắc 3: Nếu huyết áp của bạn cao thường xuyên, bác sĩ sẽ cho thuốc để hạ huyết áp của bạn dần dần qua nhiều ngày để tránh hiện tượng huyết áp xuống đột ngột gây ra các biến chứng thiếu máu nuôi ở não và tim. Bác sĩ rất cần thiết phải theo dõi và kiểm sóat huyết áp mỗi ngày để đưa huyết áp về trị số thích hợp và an tòan cho cơ thể của bạn. Nếu bạn tự uống thuốc mà không được theo dõi và kiểm sóat đầy đủ, bạn có thể gặp phải những tai biến do hạ huyết áp quá mức và những tai biến này nhiều khi trầm trọng đến mức phải đến bệnh viện cấp cứu.
¨ Nguyên tắc 4: Bạn nên dùng thuốc huyết áp liên tục và đều đặn, không nên ngưng thuốc huyết áp đột ngột để tránh hiện tượng phản ứng dội ngược tức là hiện tượng huyết áp tăng vọt lên rất cao sau khi ngưng thuốc đột ngột. Huyết áp tăng cao như vậy dễ gây những tai biến như đứt gân máu não, nhồi máu cơ tim. Vì vậy trong thực tế, khi huyết áp ổn định, bác sĩ thường cho giảm liều thuốc dần dần trong nhiều ngày và bạn nên chấp hành tốt điều này.
¨ Nguyên tắc 5: Dùng thuốc cao huyết áp cần phải dùng lâu dài thậm chí suốt đời, cho nên cần hỏi bác sĩ những tác dụng phụ của thuốc cũng như nhờ bác sĩ lựa chọn cho bạn những lọai thuốc huyết áp có giá cả thích hợp.
¨ Nguyên tắc 6: Khi điều trị cao huyết áp, bạn phải kết hợp với việc điều chỉnh các yếu tố dễ dẫn đến bệnh cao huyết áp, đặc biệt là bệnh tiểu đường bà bệnh mỡ trong máu cao. Điều này góp phần quan trọng cho sự thành công của điều trị.
Điều trị không dùng thuốc gồm 4 điều cơ bản sau :
Điều trị không dùng thuốc là bước điều trị đầu tiên và quan trọng góp phần lớn vào thành công của việc điều trị cao huyết áp.
1 Giảm cân: Nếu bạn bị béo phì, bạn nên áp dụng chế độ ăn giảm cân: ít đường, ít mỡ, nhiều chất đạm và chất xơ. Nghĩa là bạn cần hạn chế tối đa việc ăn ngọt và béo như uống nước ngọt, ăn chè, bánh ngọt, bánh kem, trứng, sữa béo và các sản phẩm làm từ sữa, thịt mỡ …Nên ăn nhiều rau quả, trái cây.
Ngòai ra bạn nên giảm bớt khẩu phần trong mỗi bữa ăn chứ không nên giảm bớt số bữa ăn hàng ngày. Không nên ăn quà bánh vặt.
- Chế độ ăn uống: Có 7 điểm cần lưu ý:
- Điểm 1: Nên ăn lạt, tức là hạn chế ăn muối mỗi ngày. Bạn nên ăn không quá 1 muỗng cà-phê đến 1,5 muỗng cà-phê muối mỗi ngày.Lượng muối này bao gồm cả lượng muối được nêm trong thức ăn và nước chấm.
- Điểm 2: Nên ăn thức ăn có chứa nhiều các chất Kali, Can-xi, Ma-nhê để họat động của hẹ tim mạch được ổn định.
– Ka-li có nhiều trong chuối, nước dừa, đậu trắng…
– Can-xi có nhiều trong sữa, tôm, cua…
– Ma-nhê có nhiều trong thịt…
- Điểm 3: Nên ăn chất đạm có nguồn gốc từ cá và thực vật hơn là các lọai thịt heo, bò, gà…
- Điểm 4: Không nên ăn quá ngọt ngay cả khi không bị tiểu đường…
- Điểm 5: Hạn chế ăn mỡ động vật và dầu dừa. Tốt nhất là dùng dầu ô-liu, dầu hướng dương.
- Điểm 6: Nên ăn nhiều rau cải, trái cây để cung cấp nhiều chất khóang, vitamin và chất xơ.
- Điểm 7: Hạn chế uống nhiều rượu. Đối với nam giới, nên uống tối đa 720ml bia tương đương 2 lon bia mỗi ngày, hoặc 300ml rượu vang hoặc 60ml whisky. Đối với phụ nữ và người nhẹ cân nên dùng không quá nửa liều trên.
- Chế độ vận động: Nên rèn luyện thân thể thường xuyên: tập thể dục đều đặn mỗi ngày, mỗi lần khỏang 30-45 phút. Nên dùng các lọai hình như dưỡng sinh, đi bộ, chạy bộ…Tuyệt đối không được gắng sức.
- Tập thói quen tốt:
– Giữ nếp sinh họat điều độ, ổn định.
– Tránh trạng thái xúc động, lo âu.
– Ngưng hút thuốc lá.
Những vấn đề cần lưu ý khi dùng thuốc hạ huyết áp:
Thuốc hạ huyết áp bạn dùng phải do bác sĩ chỉ định vì :
Trên thị trường hiện nay có rất nhiều lọai thuốc hạ huyết áp, được sắp xếp thành 6 nhóm thuốc chính sau đây:
- Nhóm thuốc lợi tiểu.
- Nhóm thuốc chẹn kênh Can-xi.
- Nhóm thuốc ức chế men chuyển và nhóm ức chế thụ thể men chuyển.
- Nhóm thuốc ức chế thụ thể Bêta.
- Nhóm thuốc ức chế thụ thể Alpha
- Nhóm thuốc tác dụng lên thần kinh trung ương.
Mỗi nhóm thuốc có nhiều nhóm phụ, mỗi nhóm phụ có nhiều thế hệ. Để lựa chọn 1 lọai thuốc phù hợp cho bạn bs sẽ cân nhắc nhiều điều như : mức độ cao huyết áp, bạn có bệnh nào khác đi kèm, bạn có yếu tố nguy cơ nào… Một nhóm thuốc hạ huyết áp có thể phù hợp với người nầy nhưng không phù hợp với người khác chẳng hạn như: nhóm thuốc có tên là ức chế thụ thể bê- ta dùng tốt cho bệnh nhân có cao huyết áp kèm nhịp tim nhanh nhưng không tốt cho người bệnh cao huyết áp kèm theo bệnh tiểu đường hay hen suyển. Điều nầy cho thấy lựa chọn đúng 1 lọai thuốc hạ huyết áp là việc làm phức tạp cần có kinh nghiệm và kiến thức cho nên bạn không tự mua thuốc hạ huyết áp để uống để tránh tự gây hại cho chính mình.
Trong điều trị dùng thuốc ngòai các nhóm thuốc hạ huyết áp tổ chức sức khỏe thế giới còn đề nghị dùng thêm Aspirine liều thấp để phòng ngừa tai biến mạch máu não và bệnh tim mạch và thuốc điều trị mỡ trong máu cao nếu có yếu tố nguy cơ này.
Tóm lại cao huyết áp ở người trẻ cần được chú trọng vì ở độ tuổi 40 là tuổi cống hiến nhiều nhất cho gia đình và xã hội do vậy bất kỳ những tai biến gì do cao huyết áp xảy ra ở độ tuổi này đều gây ra những tổn thất nặng nề cho gia đình và xã hội. Những người trẻ bị cao huyết áp biết quan tâm đến sức khỏe của mình nghĩa là đã quan tâm đến hạnh phúc gia đình và sự tiến bộ của xã hội